Blog

Du học tự túc Nhật Bản phải chuẩn bị những gì?

Japan

Hiện nay, du học tự túc không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Mình đã đi du học Nhật Bản như thế nào? Có khó khăn gì trong quá trình làm hồ sơ không? Mình sẽ bật mí tất tần tật những bí mật mà ai cũng biết cho bạn dưới bài viết này

Vì sao mình đi du học tự túc?

Cơ duyên đến với mình cũng không bất ngờ tình cờ cho lắm. Bạn mẹ mình có hai người con gái, chị đầu có gia đình tại Nhật Bản. Người con thứ hai thì bằng tuổi mình, hai đứa chơi với nhau từ nhỏ (hiện nay là roommate của mình). Khi chị làm giấy tờ để đưa em gái chị sang thì chị cũng đề nghị với mẹ mình: “Hay cô Hoa cho con Khoai qua Nhật luôn đi”. Ừ, là vậy đó, chỉ qua một cuộc điện thoại mình đã tới Nhật như vậy

Mình đã chuẩn bị những gì?

Như ở trên mình đã kể, mình không thông qua trung tâm tư vấn du học. Vậy mình đã chuẩn bị hồ sơ như thế nào?

passport

Có lẽ bạn sẽ cần: Việc làm thêm của du học sinh tại Nhật Bản

Trường Nhật ngữ

Đầu tiên khi sang Nhật theo diện tự túc thì mình bắt buộc học trường tiếng trước. Thông thường sẽ có hai đợt khai giảng là tháng 4 và tháng 10. Nếu bạn đi vào dịp tháng 4 thì bạn sẽ học tiếng trong 2 năm, bạn đi vào dịp tháng 10 sẽ học tiếng trong 1 năm 6 tháng

Hồ sơ du học tự túc

Chị mình tại Nhật Bản sẽ tìm hiểu và làm việc trực tiếp với trường Nhật ngữ. Tương tự, mình ở sẽ Việt Nam sẽ dịch toàn bộ giấy tờ cần thiết sang tiếng Nhật và photo công chứng. Các giấy tờ bao gồm:

  • Giấy khai sinh
  • Bằng tốt nghiệp THPT (cao đẳng, đại học)
  • Học bạ THPT (hoặc bảng điểm CĐ, ĐH)
  • Hộ khẩu
  • Chứng minh thư của học sinh, phụ huynh
  • Giấy chứng nhận năng lực tiếng Nhật
  • Hộ chiếu
  • Chứng minh tài chính (500 triệu ~ )
  • Ảnh 4×6 (nền trắng, chụp trong vòng 3 tháng)

Giấy báo nhập học và học phí

Hoàn tất các thủ tục, giấy tờ. Sau đó, mình gửi hồ sơ sang cho chị, rồi chị mình nộp lên trường. Tiếp theo đó trường sẽ xem xét, gửi hồ sơ của bạn lên Cục quản lý xuất nhập cảnh trong khu vực của bạn. Thời gian xét duyệt hồ sơ khoảng 2 tháng, khi có kết quả trường sẽ thông báo ngay lập tức

Sau khi có kết quả, trường gửi cho mình Giấy báo nhập học, Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú(COE) và Giấy báo học phí. Tại trường mình theo học, học sinh bắt buộc nộp 1 năm học phí và 6 tháng ký túc xá. Tùy vào trường bạn theo học mà mức học phí, ký túc xá sẽ khác nhau. Mình đã nộp:

  • Học phí: 60,0000 yên/năm (chưa kể tiền đầu năm)
  • Ký túc xá:
    • 12,0000 yên/6 tháng (hai người một nhà)
    • 22,2000 yên/năm (một người một nhà)

Xin visa tại Đại sứ quán Nhật Bản

COE-giấy chứng nhận cư trú
Vậy COE là gì? COE là thuật ngữ chỉ giấy chứng nhận tư cách lưu trú tại Nhật Bản

Theo mình được biết, từ tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Định đổ ra sẽ xin visa ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Khu vực từ Đắk Lắk, Phú Yên trở vào Nam sẽ xin visa ở Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các giấy tờ cần thiết khi xin visa bao gồm:

  • Hộ chiếu (bản gốc)
  • Bản gốc tờ khai xin visa (dán sẵn ảnh thẻ 4.5cmx4.5cm)
  • Giấy chứng nhận tư cách cư trú (COE) (1 bản gốc và 1 bản photocopy)
  • Giấy xác nhận văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (1 bản gốc)
  • Chứng chỉ năng lực tiếng Nhật (1 bản photocopy)
  • Giấy nhập học do trường cấp
  • Lệ phí xin visa (650,000VNĐ)

Phỏng vấn xin visa du học

phỏng vấn

Khi xin visa may mắn là mình không cần phải phỏng vấn. Mình chỉ cần vào nộp visa, chờ xét và nhận giấy một tuần sau quay lại lấy kết quả. Quá trình đó chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ

Nhưng thời thế đổi thay, số lượng du học sinh sang Nhật không biết tiếng Nhật ngày một tăng. Cũng vì lí do đó mà luật lệ xét hồ sơ, phỏng vấn visa ngày một gay gắt hơn. Chính vì vậy, bạn có thể sẽ phải phỏng vấn trực tiếp tại nơi bạn nộp visa. Loại hình phỏng vấn xoay quanh vấn đề đối đáp, trắc nghiệm về kiến thức Nhật ngữ cơ bản. Mình nghĩ bạn chỉ cần bình tĩnh, tự tin là có thể vượt qua cuộc phỏng vấn

Những khó khăn khi tự làm hồ sơ du học

Khác với khi qua trung tâm tư vấn du học, mọi thủ tục mình phải tự làm từ A – Z. Vì là lần đầu nên còn nhiều bỡ ngỡ, trầy trật, sai tới sai lui.

Trước giờ mình cứ ngỡ Nhật Bản dùng văn bản dọc và đọc từ phải sang trái. Nhưng ai mà có dè, đời không như là mơ. Mình dịch thuật toàn bộ giấy tờ theo hàng dọc rồi đem đi photo công chứng hẳn hoi, chờ ngày nộp nữa thôi. Mẹ mình đi làm giấy tờ chứng minh tài chính thì được người ta chỉ cho là phải dịch hàng ngang từ trái sang phải như tiếng Việt thôi. Mình lại phải làm lại từ đầu tới cuối, từ trái sang phải, từ dọc thành ngang.

Ngày đi xin visa mình đi tàu ra Hà Nội, đến trước cửa Đại sứ quán là 5h30. Mình ra Hà Nội đúng thời điểm trời lạnh, mưa rơi, đứng đợi ngoài đường 2h đồng hồ. Trời mưa lả tả hai mẹ con mình đứng đợi dưới mái hiên chờ đến 8h sáng người ta mới bắt đầu giờ làm việc. Tóm lại là cực đó!

Vì vậy bạn nào tự làm hồ sơ nhưng không muốn phải đi visa thì có thể uỷ thác cho các đại lý (công ty)

Cuối cùng

fly
Ảnh mình chụp khi bay về Việt Nam chơi kỳ nghỉ hè

Là chờ ngày lấy visa rồi mua vé máy bay và bay thôi. Thông thường thì chỉ cần chờ 1 tuần là có visa rồi

Sương sương hành trình làm hồ sơ trong 2 tháng của mình là vậy đó. Vì thời điểm đó cũng 5-6 năm rồi nên bây giờ cũng có chút thay đổi. Nếu bạn có gì thắc mắc cứ liên lạc với mình, mình luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho bạn. Vậy nhó!

Những bài viết khác tại duhocdi

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top