1. Cựu du học sinh Bắc Âu
Hello các bạn!
Mình là Minh Ngọc. Mình là cựu du học sinh Phần Lan chương trình Thạc Sỹ ngành Quản Lý Chiến Lược tại Đại học Vaasa (UVA). Hiện nay, mình đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển. Trước đây, mình đã có 3 năm kinh nghiệm đi làm ở Việt Nam. Theo đuổi ý định “Du học tiết kiệm”, mình đã sớm thu lượm nhiều bí kíp trước khi đi học. Do vậy, các nội dung mình chia sẻ phần lớn sẽ xoay quanh chủ đề này – du học tiết kiệm.
2. Tại sao du học Bắc Âu và Phần Lan?
2016 là năm cuối cùng các chương trình học tại Phần Lan hoàn toàn miễn phí. Như vậy, học phí và sinh hoạt phí của đất nước này vẫn rất Bắc Âu, khá đắt đỏ với với các nước Đông Âu khác như Ba Lan, CH Séc v..v… NHƯNG
2.1 Chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế
Đây lại là một môi trường rất phù hợp cho những cá nhân có tính chất hướng nội. Cơ bản vì đất nước con người Phần Lan cũng khá introvert. Đất nước này rất ít dân. Mọi thứ liên quan đến học tập giáo dục được hỗ trợ miễn phí. Và quan trọng là sự lành tính của người dân nơi đây.
Mặc dù đã thu học phí, nhưng Phần vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ cho cho sinh viên quốc tế. Và hoàn toàn không quá thử thách hay cạnh tranh như các đất nước nói tiếng Anh khác.
2.2 Chi phí rẻ nhất nhưng vẫn lối sống đặc trưng Bắc Âu
Thuộc khối Bắc Âu, nhưng Phần Lan là nước duy nhất sử dụng đồng tiền EUR. Mua sắm du lịch ở đây cũng tiện lợi hơn. Phần cũng là đất nước có chi phí sinh hoạt thấp nhất trong khu vực. Nơi đây vẫn duy trì được kiểu lối sống rất đặc trưng của vùng này.
2.3 Hình ảnh người Việt tại đất nước Phần Lan
Cộng đồng sinh viên Việt Nam cực kì hùng mạnh và cực đông. Có thể nói bạn rất dễ để tìm kiếm thông tin. Từ làm thêm, tụ họp vui chơi hoặc chia sẻ hữu ích về mua sắm, du lịch. Ngoài ra, chính vì danh tiếng cộng đồng người Việt, nhìn chung, người Phần Lan cũng có thiện cảm.
3. Cần chuẩn bị những gì trước khi sang du học
3.1 Tìm hiểu trường, ngành học, thành phố theo học
Có rất nhiều bài viết chia sẻ chung chung về cách chọn quốc gia, chọn ngành, chọn trường. Tin rằng, khi bạn đã đọc bài này, chữ Phần Lan đã lấp ló trong đầu. Vậy nên, mình tập trung vào cách nào để tiết kiệm chi phí. Hoặc tăng khả năng thu nhập khi vừa đặt chân du học tại đây nhé.
Với các bạn có ý định ở lại làm việc, chọn một ngành mang tính ứng dụng cao (có khả năng vừa học vừa làm) hoặc trong thành phố lớn là yếu tố cần xem xét đầu tiên. Thành phố lớn thì chi phí sinh hoạt sẽ cao hơn. Bù lại khả năng kiếm việc làm thêm ngay từ lúc chập chững cũng cao không kém.
3.2 Lên kế hoạch chi tiêu khi du học
Khi đã xác định được thành phố và khả năng “thu nhập”. Tất nhiên bạn đã phải đáp ứng điều kiện hồ sơ đăng kí học. Đây là giai đoạn bạn cần điều nghiên chi phí và dự trù các khoản phí. Về mặt chi phí, mình chia như thế này cho đơn giản:
- Phí sinh hoạt cố định hàng tháng: tiền nhà, tiền ăn uống, tiền đi lại. Bạn có thể lên trang web nhà trọ của thành phố dự kiến. Tìm kiếm thông tin vé xe bus. Tiền ăn thì mình cứ tạm cho là 30-50% tiền nhà. Nó tùy thuộc vào mức độ xa xỉ mà bạn muốn.
- Các khoản phí năm hoặc phí đầu tiên: bảo hiểm y tế, phí hội sinh viên, phí deposit tiền nhà.
- Quần áo chắc chắn cần mua là những quần áo mùa đông. Ví như áo quần giữ nhiệt, áo lạnh mùa đông, vớ len, nón len, giầy đi tuyết v..v.. Cho khoảng này tầm 100-200EUR nhé bao gồm quần áo mua mới và second-hand.
Tính phí xong rồi bạn sẽ ra con số tổng. Lúc này, mình kiểm kê lại. Trong tài khoản đã có đủ ít nhất tầm 6 tháng chưa? Nếu chưa thì cày để bổ sung, ngay còn khi ở Việt Nam. Tin mình đi, với những bạn đã đi làm rồi, bạn nên sử dụng các kỹ năng sẵn có. Làm việc này trước lúc bay sang đây sẽ tốt hơn việc trông chờ sang rồi bắt đầu kiếm job. Một là bạn không quá áp lực. Hai là bạn có thời gian trải nghiệm. Bạn sẽ dễ tìm hiểu thầy cô bạn bè và các lựa chọn làm thêm phù hợp.
4. Chuẩn bị những gì để tăng khả năng thu nhập từ lúc mới sang
Đây cũng là lúc bạn có thể lên kế hoạch thu nhập của mình ngay khi đi du học.
4.1 Tiếp tục làm các công việc bạn đã làm từ Việt Nam.
- Bạn có thể duy trì các mối quan hệ tại Việt Nam, và làm việc bên Phần Lan. Đây là cách mình đã làm. Vậy nên vừa đi làm vừa suy nghĩ xem có thể kiếm được bao nhiêu từ công việc đó và có tiếp tục giữ được các dự án này không.
- Ngoài network có sẵn, việc bạn tự tạo một portfolio cho mình cũng là cần thiết. Đặc biệt quan trọng nếu bạn cần đẩy mạnh marketing. Vậy nên nếu có thể, hãy bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch. Xây một trang web/blog. Đây là nơi bạn trình bày các portfolio công việc. Bạn chính thức sẽ gia nhập thế giới freelance. Như vậy, bạn sẽ có khả năng nuôi sống mình luôn khi còn đi học thạc sỹ.
Thực sự bây giờ hỏi, mình sẽ bảo nên ưu tiên một việc. Trước khi sang Phần, mình nên làm blog. Thì mình đã có thể yên tâm đi du lịch nhiều hơn rồi. Tạm thời, bạn có thể xem về một lớp học làm web tại đây nếu nản kỹ thuật. Còn muốn lên kế hoạch kiếm tiền online cụ thể, thì xem tại đây. Mình sẽ quay lại sau với một bài chia sẻ chi tiết hơn.
4.2 Bạn cũng có thể tìm công việc tại nước sở tại.
Nếu dễ thì thường là những việc tay chân. Từ giao báo, phụ việc trong nhà hàng, dọn dẹp khách sạn hay dọn dẹp nhà cửa. Những việc này có thể giúp bạn chi trả một phần tiền ăn và tiền nhà. Nhóm này có hourly rate thấp và cũng mang tính thời vụ.
Tuy vậy, nếu bạn có sự chuẩn bị thì bạn có khả năng kiếm được khá hơn. Đó là những ngành Bartender, Barista. Thậm chí, cắt tóc tại gia cũng là những ngành mang lại thu nhập khủng.
5. Những thứ cần chuẩn bị khi còn ở Việt Nam:
Khi bạn còn ở Việt Nam, hãy chuẩn bị cho mình những thứ sau:
- Một tài khoản Ngân Hàng đứng tên bạn tại Việt Nam. Bạn có quyền chọn cách chuyển khoản giao dịch OTP. Hoặc bạn mua một chiếc sim điện thoại Việt Nam mang sang. Tại sao? Không ai bỏ trứng vào một rổ cả và bạn cũng nên như vậy. Có tài khoản giao dịch được tại nhà vừa tiện cho những dự án với đối tác Việt Nam. Đây vừa là một chiếc túi phòng hờ giúp đỡ người thân gia đình khi bạn không có mặt được thời điểm đó.
- Giấy tờ ủy quyền là cần thiết. Sẽ có những giấy tờ sau này bạn muốn thay đổi hoặc làm gì đấy, nhưng lại đang đi du học mất rồi. Vậy nên tốt nhất là chuẩn bị giấy ủy quyền cho người thân cận nhất trong nhà. Nhỡ đâu khi cần, tờ giấy có thể giúp đỡ bạn rất nhiều. Ít nhất là khỏi những nhiêu khê thủ tục lằn nhằn và tiết kiệm một khoản chi phí khá tốt.
- Và tất nhiên là hãy cố gắng ăn hết các món ruột của mình. Bạn cũng nên dành thời gian chất lượng cùng gia đình. Nên nhớ, lên tinh thần thật tốt. Vì hành trình phía trước sẽ có nhiều điều thử thách mới cho bạn.
Trên đây là các ý quan trọng nhất mình đúc kết được sau thời gian sống tại nước ngoài. Tất nhiên bạn sẽ cần chuẩn bị thêm những thứ khác. Bài viết tập trung vào du học tiết kiệm và tạo thu nhập khi còn đi học. Đây là những yếu tố chắc chắn bạn không nên bỏ qua. Thân ái và hẹn gặp bạn ở bài chia sẻ tiếp theo.
Hy vọng bài viết bổ ích. Nếu có câu hỏi hoặc cần tư vấn cụ thể hơn, đừng ngại đặt lịch hẹn với mình.
Ngoài ra, mình cũng hiện đang blogging về cuộc sống freelancer, hành trình viết lách và du hí Bắc Âu. Mời bạn ghé thăm tại đây.
1 thought on “BẮC ÂU – DU HỌC TIẾT KIỆM ?”
Pingback: Từ insight đến content - MN's Journey