Blog

Trải nghiệm du học Phần Lan với chương trình Eramus

Trong suốt 1 năm du học Phần Lan theo chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Erasmus thì mình đã có rất nhiều trải nghiệm hay ho muốn chia sẻ cho các bạn từ môi trường học tập, cuộc sống, làm thẻ ngân hàng ra sao, kiếm việc làm thêm như thế nào. Các bạn xem bài viết chi tiết của mình dưới đây nhé.

Mục lục đọc nhanh

Cách làm thẻ ngân hàng và đăng ký internet banking

Đầu tiên là tiền đâu, đi thì cần phải có tiền đúng không? Chương trình sẽ trợ cấp của Eramus nhưng chỉ 80% thôi và nó cũng sẽ đến tài khoản của bạn sau khi nhập học 1-2 tuần. Vì tiền người ta cho nên không thể đòi hỏi họ phải gửi cho mình trước lúc đi được.

Vì mình du học Ba Lan nhưng đăng ký chương trình Erasmus trao đổi sinh viên ở Phần Lan nên có một số cái phức tạp khi làm thẻ ngân hàng. Một phần vì tiền tệ của Ba Lan và Phần Lan khác nhau (PLN/zloty – Euro), cũng như mình cũng chưa biết nhiều về hệ thống ngân hàng bên Phần Lan nữa.

Có một thứ mình khuyến khích các bạn nên cân nhắc làm sau khi đến nói bạn du học. Đó là số ID – Identification number – cái này như hình thức đăng kí số tạm trú vậy.

Ở Phần Lan là Finish ID. Có cái này bạn sẽ làm mọi thứ ở nơi bạn ở rất tiện lợi trên internet mà không phải đi lại nhiều, nó có lợi về các mặt như thanh toán, thư tín, sức khỏe…. Ở Phần Lan bạn nhất định phải có Finish ID và nó mất phí 50e/năm.

Kí túc xá và nơi ở

Nhà ở của sinh viên ở phần được chính phủ trợ cấp nửa giá nên rơi vào khoảng 250-350/ phòng/ 1 người trong 1 nhà nhiều phòng (khoảng 2-4 phòng trong 1 nhà).

Nội thất cơ bản bao gồm 1 tủ to 3 cửa, 1 kệ sách, 1 bàn to khoảng 2,5m + 1 ghế, và 1 giường đơn không nệm. Bên cạnh đó ở Phần Lan mỗi thành phố đều có các công ty nhà ở, nên việc thuê nhà cũng sẽ dễ dàng hơn.

Vì là sinh viên trao đổi nên việc tìm kí túc xá không khó, chỉ cần gửi yêu cầu cho trường đối tác là được. Theo mình việc ở kí túc xá ở Phần như bắt buộc vì họ yêu cầu địa chỉ kí túc để dễ bề quản lí đàn con thơ của các trường khác gửi về.

Về nhà cho sinh viên trao đổi thì phải ở ghép 2 người 1 phòng với giá là 195eur/ người. Mà phòng đó là phòng đơn cơ bản của sinh viên bình thường mình đã đề cập ở trên và phòng mình được kê thêm đúng 1 chiếc giường đơn. Vì vậy sang học kì 2 mình đã từ giã nơi ấy, để ở ghép với các bạn người Việt cho đỡ tiền.

Chú ý nhỏ: Chi phí lúc là sinh viên ở Phần Lan được hỗ trợ rất nhiều từ nhà ở, ăn uống ở trường, và phương tiện đi lại đều được giảm phân nửa.

Phương tiện công cộng


Thủ đô Helsinki có tất cả các phương tiện như metro – tàu điện chạy ngầm dưới long đất, tram – tàu điện chạy trên mặt đất, và bus.

Tuy nhiên, trừ thủ đô ra thì các thành phố khác vì một phần cũng nhỏ nên chỉ có phương tiện duy nhất là bus và khá ít tuyến, chờ cũng khá lâu, và khung giờ hết bus cũng khá sớm là 11h đêm.

Chú ý nhỏ: ở các thủ đô thường được cung cấp thêm bus đêm và thời gian lưu thông gần như cả ngày lẫn đêm.

Ăn uống


Thông thường ở các trường đều có nhà hàng hay còn gọi là canteen. Phần này cũng được nhà nước hỗ trợ giá. Năm mình đi nhà ăn nơi mình theo học có dạng là ăn hết thì lấy tiếp, tùy món rơi vào 2.2 eur – 4.6 eur.

Chuỗi thức ăn này sẽ có đầy đủ dinh dưỡng như quầy sữa + nước trái cây, quầy rau trộn các loại, quầy tinh bột các loại, và quầy món chính. Đi một tour rồi tính tiền ra ăn cho tới khi no.

Do đó mình không lo khoảng nấu ăn đi chợ, nhưng 1 tuần mình cũng sẽ đi chợ cho các buổi ăn sáng và chiều tối. Mình thường dùng 1 bữa trưa ở trường, những lúc gần thi mình ở lại trường học đến 11h thì sẽ ăn luôn cả ngày.

Môi trường học tập của trường mình ở Phần Lan

Ngoài việc không lo ăn uống thì trường mình khá xịn xò như thư viện 24/7 và được mượn sách miễn phí có giới hạn thời gian và số lần, phòng gym 24/7 -trang thiết bị đầy đủ chuẩn men chỉ 10eur cho 1 học kì 4 tháng.

Ngoài ra còn có sân đá banh và bóng rổ trong nhà. Thật không nói ngoa khi Phần Lan luôn xem trọng tinh thần thể thao, nâng cao sức khỏe.

Bên cạnh đó, trường lắp đặp các dàn máy tính rải rác khắp trường cho sinh viên – để sử dụng bạn cần tài khoản riêng. Cái này khi mới vào trường, các bạn sẽ được cấp 1 tài khoản bao gồm luôn Microsoft office.

Có nghĩa là bạn có thể dùng Microsoft Office miễn phí trong quảng đời sinh viên Năm của mình thì mỗi học kì trường sẽ cho bạn 200 tờ giấy trong tài khoản để bạn in tài liêu. Nhưng sau khi mình đi thì những tờ giấy đó đã được tính bằng hiện kim rồi.

Lưu ý nhỏ là: ngoài khu vực thư viện, sau 11h trường sẽ khóa tất cả các cổng và cần phải có thẻ từ mới được đi lại.

Vì vậy, để giữ an toàn thì những ai cần ở lại học thì nên tậu cho mình 1 chìa khóa từ dùng để đi ra hoặc vào thư viện và gym quá giờ giới nghiêm.

Trường hợp đi lon ton quanh trường sau 11h còi an ninh sẽ hú và cảnh sát sẽ đến và tất nhiên bạn sẽ phải trả phí là 75eur cho 1 lần viếng thăm. (cái này mình nghe loáng thoáng là nếu có thẻ tạm trú thì sẽ tha cho lần đầu hay sao đó).

Chất lượng du học Phần Lan

Điểm cộng khi học ở Phần Lan là mình được làm việc nhóm và viết rất nhiều, hầu như tất cả các môn đều phải làm việc nhóm. Do đó, các kỹ năng như giao tiếp và viết của mình tăng lên.

So với ở Ba Lan và ở Đức thì chỉ với một số môn, khá ít. Mình nghe các sinh viên Đức trao đổi sang nói rằng ở Đức chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài, tuy nhiên tinh thần tự học ở Đức rất cao.

Tuy nhiên, chương trình giáo dục bên Phần Lan khá hay nhưng môn học quá nhiều mà tín chỉ nhận được thì ít nên có vẻ hơi loãng và đến năm 2 mới chia chuyên ngành.

Làm thêm khi du học Phần Lan

Các dạng làm thêm mà mình biết thường là lau dọn – cleaning. Ở Phần Lan sẽ có các công ty thầu các việc này cho các doanh nghiệp như N-clean, SOL, L&T,…etc. Các loại công việc như:

  • Lau tàu phà, ferry (tàu đi từ Phần sang Thụy Điển và các nước lân cận).
  • Khách sạn công việc chủ yếu là làm buồng phòng, ngoài ra có các khu như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu sảnh và nhà hàng.
  • Ở siêu thị sẽ là rửa đồ dùng của bếp siêu thị như máy xay thịt, hộp đựng thịt sống…etc; kho và sảnh trưng bày hàng hóa.
  • Phụ bếp và bồi bàn ở các quán ăn, quán bar/pub ở các sân bay (nhiều ở Helsinki) và trung tâm thành phố.

Bản thân mình làm lau chùi trong 1 khu resort cách Ivalo – tỉnh gần cực bắc 1 tiếng bus bao gồm khách sạn, khu nhà riêng biệt, vui chơi như lái xe trượt tuyết, tuần lộc kéo xe – reindeer, chó kéo xe – husky, khu vui chơi trẻ con, khu hồ bơi.

Chỗ này lúc đi đêm thì thấy đường đi lên núi trắng xóa, các nhà lên đèn nhìn tựa cây thông khổng lồ được trang trí đèn rất đẹp. Công việc làm thêm mình có được là do may mắn được một người bạn của bạn mình ở Ba Lan giới thiệu.

Vào thời điểm tháng 1- tháng 2, các bạn nên bắt đầu nộp hồ sơ công việc hè cho các công ty này, đến khi được nhận bạn sẽ được phân công đến các địa điểm và thời gian.

Cái này có thể cố định hoặc không tùy thuộc vào sự sắp xếp của công ty. Nếu may mắn thì công việc được phân cố định thì coi như hè đó không phải lo nghĩ, nhưng ngược lại thì bạn phải di chuyển rất nhiều để có thể hoàn thành được nhiều giờ.

Mức lương của các công việc trên rơi vào khoảng 9-11eur/giờ tùy công việc, địa điểm, và thời gian làm việc.

Bên cạnh đó, nếu bạn không cần những lợi ích từ làm việc có hợp đồng. Ví dụ như chứng minh tài chính và các lợi ích lâu dài khác: các quyền lợi của công ty như thẻ gym trợ giá 50%, hay bảo hiểm xã hội…

Các bạn có thể sắm 1 chiếc xe 50cc hoặc 1 chiếc xe đạp điện trợ lực để đi giao thức ăn cho các công ty như Wofl. Điểm mạnh ở đây là bạn tự do về thời gian. Ngược lại, là hợp đồng lao động của việc này không có giá trị chứng mình tài chính.

Theo mình được biết là nếu có hợp đồng dài hạn – permanent/ hoặc ngắn hạn cũng là 1 năm trở lên; cùng với 3 cái báo cáo lương – payslip thì tài khoản ngân hàng của bạn không cần đủ 6790 eur/ năm theo yêu cầu của sợ ngoại kiều để gia hạn thẻ tạm trú.

Thông tin trên đây một phần là do những người bạn xung quanh của mình đi làm kể lại, mình cũng đi làm ngắn hạn và chưa ở lâu bên Phần nên các lợi ích khác từ hợp đồng dài hạn mình không rõ.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội – kela từ năm 2020, các sinh viên năm 2 trở đi sẽ được đăng kí, nhưng mình nghĩ có nếu có hợp đồng lao động thì cái giá trị bảo hiểm cũng sẽ nhỉnh hơn người không đi làm.(mình chưa kiểm chứng được chuyện này).

Cơ hội việc làm sau khi ra trường

Cơ hội việc làm ở Phần Lan đúng chuyên ngành là khá ít, nhưng không phải là không thể. Đa phần sẽ dễ dàng cho các chuyên ngành như IT và ngành dịch vụ như Tourism and Hospitality mình thấy bạn mình vẫn sống ổn rải rác khắp phần lan.

Thực sự, ngôn ngữ là điều hiển nhiên cần phải biết nếu muốn kiếm các việc làm cho chuyên ngành IB, y tá . Không có ngôn ngữ ở nước sở tại thì cơ hội việc làm cũng chỉ còn khoảng ¼ theo cảm nhận của mình. Ngôn ngữ chính ở Phần là tiếng Phần, tiếng Thụy Điển và đa số người dân đều có thể nghe hiểu và nói tiếng Anh.

Các thành phố lớn nơi mà mọi người thường đổ về là 3 thành phố lớn Helsinki, Turku và Tampere. Mình thấy đa phần các bạn sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp mà không tìm được việc ở nơi họ đang sống thì vẫn đổ dồn về Helsinki. Cũng đúng thôi vì đa phần các công ty đều dựng trụ sở ở nơi đông dân cho dễ làm ăn.

Phần Lan là một đất nước không cởi mở cho lắm, nhìn chung là khép kín y như người phần vậy. Người Phần ưa dùng đồ của người Phần, cái này tốt nè, ủng hộ nước nhà. Và cũng chính vì vậy nên Phần Lan mang cho mình cảm giác thì thích độc quyền.

Ví dụ, ngoài siêu thị Lild của Đức ra thì chỉ có 3 siêu thị chính và các siêu thị nhỏ bé trên khắp Phần Lan, công ty thư tín thì cũng chỉ độc quyền 1 hãng. Hoàn toàn không có các bóng dáng của các ông lớn tên tuổi đã có mặt tại Ba Lan hay Việt Nam như Carefour, Auchan…

Mặc dù, lúc mình đi học, luôn được dạy về mở rộng hợp tác và mạng lưới ngoại giao – networking các kiểu. Sau khi ở Phần Lan 1 năm thì mình thấy Phần khá là mến Đức vì trường mình có nhiều chương trình ngoại giao với Đức.

Bên cạnh đó, cô giáo mình nói rằng mọi thứ nên hướng tới khai thác khách hàng là Trung Quốc vì họ chi mạnh cho du lịch, cái này mình nghĩ cũng đúng thôi vì lúc mình đi làm thêm thì thấy người TQ đông thật.

Bên cạnh đó vị trí địa lý cũng không được xem là ngon nghẻ , cộng thêm việc công ty nước ngoài muốn vô cạnh tranh cũng phải trải qua nhiều thủ tục, nên chắc có lẽ người ta ít thiết tha hơn.

Ví dụ, năm 2017 mình sang Phần chơi hè trước khi đi học thì mình thấy báo Phần đăng là KFC sắp về bản Đôn nhưng tới nay vẫn chưa thấy bóng dáng em đâu. Chắc có lẽ vậy mà cơ hội việc làm hơi khó cho người nước ngoài nếu không biết tiếng Phần nhiều.

Các nguồn tìm việc ở Phần Lan. Nguồn: Maria Fodor – Admin in International Jobseekers in Helsinki Group on Facebook.

Thuế thu nhập cá nhân


Thuế được tính tùy theo mức thu nhập. Ví dụ: nếu cả năm bạn kiếm ít hơn hoặc bằng 13.000 eur/năm sẽ không bị tính thuế, cái này không phụ thuộc độ tuổi. Lên dần và mức đánh thuế cao nhất là 35%. Mình chưa kiếm trên mức không vị tính nên không biết chính xác.

Du lịch Phần Lan


Ấn tượng đầu tiên khi đến Phần Lan. Mặc dù, mình nghe nhiều về việc Phần là con ghẻ của ngành du lịch Bắc Âu, vì các tour đa phần chỉ thực hiện ở 3 nước Thụy Điển, Nauy, và Đan Mạch.

Lúc đó mình cũng không quan tâm lắm vì lý do mình đến Phần không phải đi du lịch. Nhưng mà cảm giác thì thật khó tả. Do mình vốn ở tại thủ đô nơi mà mọi thứ khá là nhộn nhịp giống Việt Nam.

Thì khi đến nơi (trường mình học nha – cách thủ đô Hel 3 tiếng bus), trong đầu mình lúc đó là tôi đang ở vùng quê nào đây? Nhưng ở lâu thì mới biết khu làng ông già Noel ở Rovaniemi và khúc Ivalo cách làng 6 tiếng bus ( chỗ mình làm vào mùa đông cách đây 1 tiếng) vào mùa du lịch vẫn rất đông.

Ivalo là có mấy cái lều tuyến – Igloo. Mọi người thường lên đó để trượt truyết và trải nghiệm cuộc sống âm mấy chục độ.

Nói thêm là lúc mình tham gia chương trình Erasmus, có một công ty du lịch chuyên làm các tour cho sinh viên trao đổi được trợ giá là ESN. Đây là đường dẫn, tham gia thành viên là 10 eur/ năm.
https://www.timetravels.fi/

Chia sẻ qua:

Bài viết liên quan

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top