Blog

Du học Ba Lan, liệu có xứng đáng? Chi phí, cuộc sống, khả năng kiếm việc

Đây là bài viết chia sẻ tất cả những trải nghiệm thật của Dương trong suốt 4 năm du học và làm việc tại Ba Lan. Sau khi đọc bài này bạn sẽ hình dung được học phí và sinh hoạt phí ở Ba Lan như thế nào, một số thông tin về lựa chọn ngành học để dễ xin việc ở Ba Lan. Đi du học Ba Lan có phải là quyết định đúng đắn và rất nhiều điều khác nữa.

Mục lục đọc nhanh

Giới thiệu về đất nước Ba Lan

Ba Lan, tên tiếng anh là Poland, tên tiếng bản địa là Polski là một đất nước xinh đẹp nằm ở giữa châu Âu, thuộc khu vực Đông Âu, giáp Đức, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Urkaina và Belarus. Ba Lan từng là một trong những cường cuốc đứng đầu châu Âu thời quá khứ nhờ mỏ muối ở Wieliczka ở thời kỳ giá muối còn hơn cả giá vàng.

Nhưng sau thế chiến thứ I và thứ II, nơi này lại trở thành bàn đạp chính trị cho cả Đức và Liên Xô. Ngày nay, Ba Lan dù không phải là một đất nước lớn mạnh như Đức hay Hà Lan, nhưng đây lại là một thị trường đầy rộng mở cho các công ty quốc tế vì sự năng động cũng như tiềm năng phát triển của nó.

Vì sao mình chọn du học Ba Lan

Mình bước chân đến Ba Lan vào những ngày cuối thu đầu đông năm 2016, khi Ba Lan bỗng trở thành địa điểm du học hot rần rần sau việc Phần Lan chuẩn bị thu học phí. Khi được hỏi về lý do du học, chắc hẳn sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, nào là thích trải nghiệm, thích học hỏi, muốn xem thử nước ngoài có gì hay ho so với nước mình…

Lý do du học của mình thì đơn giản tới mức ấu trĩ – bạn thân rủ. Thú thực là sau khi chuẩn bị rất nhiều bước thì mục đích du học của mình cũng đã được cải biên 1001 cách khác nhau nghe chính đáng hơn nhiều. Nhưng còn gì hay hơn ngoài việc nêu ra suy nghĩ đầu tiên của bản thân nhỉ.

Du học Ba Lan - chi phí

Quá trình chuẩn bị du học Ba Lan

Quá trình chuẩn bị du học thực ra cũng không quá khó khăn, Ba Lan là một nước có đầu vào khá thấp. Phù hợp cho những bạn thích trải nghiệm cuộc sống xa nhà, du lịch vi vu, kết bạn tứ phương… hơn là để học tập kiến thức hiện đại.

Dĩ nhiên là mỗi ngành mỗi khác, và trải nghiệm cũng là tích lũy vô giá trong cuộc sống. Nhưng với những bạn mong đợi một nền giáo dục hiện đại, những kiến thức vĩ mô, môi trường học tập luôn đi đôi với thực hành, thì rất tiếc là bạn có thể sẽ gặp thất vọng ở nơi đây.

Nhưng học ở Ba Lan rồi bạn sẽ có cơ hội đi học chuyển tiếp ở các nước có trình độ giáo dục siêu cao như Đức, Anh, Hà Lan. Chút nữa phần dưới mình sẽ nói thêm

Đầu vào của Ba Lan thường là yêu cầu ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Ba Lan), tốt nghiệp cấp 3 cho bậc đại học (bachelor) và tốt nghiệp đại học cho bậc thạc sĩ (master).

Tùy vào ngành và trường khác nhau mà yêu cầu cũng thay đổi chút ít, nhưng đa số thì chỉ đơn giản như vậy.

Ngoài ra bạn còn có thể lựa chọn học ngôn ngữ trước khi vào chương trình đại học (nhưng mình không quá ủng hộ lựa chọn này, về lý do thì bạn sẽ gặp mình một ngày không xa ở chia sẻ khác). Ở một bài viết khác thì mình sẽ viết rõ chi tiết về chuẩn bị hồ sơ và các bước để đăng ký vào trường hơn.

Tổng hợp học phí và sinh hoạt phí du học Ba Lan

Học phí và sinh hoạt phí của Ba Lan ở mức trung bình hoặc là thấp so với những đất nước khác. Dĩ nhiên là không tính so sánh với học bổng của nước bạn nhé.

Học phí bậc đại học khoảng 1,000 – 2,200 Euro/học kỳ. Sinh hoạt phí cho sinh viên tiết kiệm thì tầm 3,500 – 4,000 euro/năm tùy thành phố và tiền phòng ở.

Ở bậc đại học ở Ba Lan thì chỉ 3 năm học, nghĩa là chi phí tổng cộng nếu ra trường đúng hạn tầm 20,000 euro. Hơn 500 triệu Việt Nam đồng.

Đây là mức chi phí lý tưởng, khá ngang bằng nếu bạn học những chương trình đào tạo bằng tiếng anh ở nhiều trường đại học ở Việt Nam nhỉ.

Du lịch du học Ba Lan

Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế Erasmus – cơ hội đi học ở các nước khác.

Sau một năm rưỡi học ở Ba Lan thì mình tham gia chương trình Erasmus – trao đổi sinh viên quốc tế giữa các nước với nhau. Điểm đến của mình là người bạn hàng xóm Đức.

Vì là sinh viên của Ba lan nên chi phí mình bỏ ra trong thời gian này chỉ là học phí. Sinh hoạt phí được Erasmus tài trợ tới nước Đức là 450 euro/tháng. Nếu ở thành phố nhỏ và sống tiết kiệm thì bạn chỉ cần tiêu gói gọn trong khoản này.

Ngoài ra còn rất nhiều sự lựa chọn ở các nước châu Âu khác như Hà Lan, Pháp, Ý, Nga,… với những mức hỗ trợ khác nhau.

Trở về Ba Lan vào mùa xuân năm 2019, Ba Lan lúc đó thật thay đổi so với những ngày đầu mình bước chân đến nơi đây. Là một thị trường rộng mở cho các công ty quốc tế. Ba Lan có những bước vươn mình chóng mặt kể cả về kinh tế lẫn chính trị.

Chi phí thuê nhà cũng tăng kha khá so với năm đầu (từ tầm 4 triệu/tháng đến 6 triệu/tháng). Mức chi phí phía trên mình đề cập là của những năm 2019, khi kinh tế chưa quá bị biến động vì dịch COVID-19.

Kinh nghiệm chọn ngành học để dễ làm việc ở Ba Lan

Dù là thị trường rộng mở, song một số ngành nghề liên quan đến văn hóa và con người như marketing, e-commerce,… vẫn yêu cầu ngôn ngữ bản địa để có nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra thì có những ngôn ngữ châu Âu khác như tiếng Nga, tiếng Đức, Hà Lan, Ý, Pháp,… cũng giúp bạn có nhiều cơ hội và mức lương tăng đáng kể so với việc chỉ biết tiếng anh.

Bù lại thì những ngành nghề có ngôn ngữ “chung” như IT, phân tích dữ liệu (data analysis), kế toán, tài chính,… thì rất phổ biến với sinh viên quốc tế như mình. Ngoài ra còn có nhiều ngành nghề liên quan tới chăm sóc khách hàng cho thị trường nói tiếng anh như Mỹ, Anh,… cũng là sự lựa chọn không tồi nếu bạn muốn bắt đầu những bước đi nhỏ của bản thân.

Những kinh nghiệm về kiếm việc cũng như môi trường công sở sẽ ra mắt các bạn ở một bài viết nhỏ khác trong mục cuộc sống và việc làm.

Có nên đi du học Ba Lan không?

Thời điểm mình viết bài này là tháng 10 năm 2020, cách vài ngày nữa là tròn 4 năm mình đặt chân đến Ba Lan. Thật khó để mà nói du học Ba Lan liệu có xứng đáng hay không vì quá nhiều mặt phải -trái cho câu trả lời.

Cũng vì trở về thủ đô Ba Lan từ một thành phố nhỏ ở Đức, mà mình chợt nhận ra Warsaw đã thân thuộc từ lúc nào với bản thân mình. Từ những lần lạc quên lối về dưới đường tàu điện ngầm ở centrum, tới những chiều hè ngồi tắm nắng cạnh bờ sông Vistula, hay đêm Halloween lạc một mình trong công viên.

Đấy đều là những dấu ấn khó phai mờ kể cả khi mình đứng giữa sự lựa chọn đi hay ở sau khi tốt nghiệp.

Cuộc sống không như trong mơ sau khi rời xa gia đình là những gì mình thực sự được trải nghiệm ở Ba Lan. Nhưng cũng vì vậy mà mình trân trọng hơn những mối quan hệ gần xa, gia đình và bạn bè.

Là một con người yêu thích trải nghiệm những điều khác biệt trong cuộc sống thì mình nghĩ Ba Lan thích hợp với những người như mình.

Dù hay khuyên những bạn trẻ đang đắn đo việc du học về thực trạng điều kiện giáo dục cũng như tình hình kinh tế khá thấp so với mặt bằng chung ở châu Âu. Nhưng cũng nhờ vậy mà chi phí để du học Ba Lan cũng hợp lý cho gia đình mình tại thời điểm 4 năm về trước đúng không nào.

Câu trả lời cho riêng bản thân mình là xứng đáng để trải qua thời đại học tại Ba Lan. Nhưng với mỗi người thì câu trả lời lại khác nhau. Nếu được thì mình chỉ khuyên rằng dù quyết định của bạn có như thế nào, thì hãy tận dụng mọi cơ hội có được trong cuộc sống, để giúp bản thân không phí hoài hiện tại và hối hận trong những ngày về sau.

Chia sẻ qua:

Bài viết liên quan

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top