Khi quyết định rời xa vùng an toàn để đến một đất nước xa lạ học tập và làm việc, nhiều bạn hỏi mình phải chuẩn bị hồ sơ thế nào, làm visa ra sao, sửa soạn hành lý phải lưu ý điều gì. Thế nhưng với mình, điều tối quan trọng khi đi du học Hà Lan hay đến bất kỳ một nơi lạ lẫm nào, là chuẩn bị tâm lý. Bạn đã nghĩ đến điều này chưa? Nếu chưa, mình sẽ cùng bạn điểm qua 05 điều cần chuẩn bị tâm lý trước khi du học Hà Lan nhé!
Mục lục
Chuẩn bị tâm lý trước sự thẳng thắn trong giao tiếp
Trong cuộc hội thoại thường ngày, phần lớn người châu Á thường trao đổi kiểu gián tiếp (indirect), còn người phương Tây, đặc biệt là người Hà Lan lại nổi trội với kiểu “có sao nói vậy”, không vòng vo, vào thẳng vấn đề (direct). Người Hà Lan nổi tiếng vì sự thẳng thắn và thoải mái bày tỏ quan điểm, bất kể là trước giáo viên hay ai khác. Nếu chưa quen với kiểu phản ứng này, bạn có thể sẽ bị sốc trước cách thầy cô đưa feedback cho bài tập của bạn. Họ sẽ không “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, mà trực tiếp chỉ ra bạn đã làm tốt ở đâu, chưa tốt phần nào. Cá nhân mình cũng là người “ruột để ngoài da”, suy nghĩ đơn giản và không để bụng, nên mình cực kỳ thích tính cách này của người Hà Lan. Trong môi trường học thuật và làm việc, điều này giúp mình tiết kiệm thời gian suy đoán ý nghĩ của thầy cô và sếp khi họ cứ góp ý chung chung và nói lời hay ý đẹp, để rồi cuối cùng mình…không biết phải sửa bài và phát triển như thế nào cả!
Đừng bao giờ trễ hẹn
Ngoài sự thẳng thắn, người Hà Lan còn được biết đến là những “chiếc đồng hồ” vì sự đúng giờ của họ. Họ có óc tổ chức tốt, muốn hẹn hò đi ăn uống chơi bời thì hãy lên kế hoạch trước để họ sắp xếp lịch trình, và một khi đã hẹn, thì chắc chắn là bạn phải đúng giờ đấy nhé! Khi tiếp xúc với các thầy cô, mình cảm nhận sâu sắc sự nghiêm khắc về mặt thời gian của họ, họ không thích bị cắt ngang trong lúc giảng bài chỉ vì ai đó đến trễ, vậy nên, nhiều thầy cô chọn cách khoá trái cửa ngay khi lớp học bắt đầu. Ai vào sau thì đành chịu, chờ đến giờ ra chơi để xin vào lớp, hoặc là đi về. Tuy nhiên, những người Hà Lan mình quen biết không đến nỗi cứng nhắc trong việc lên kế hoạch, họ vẫn tận hưởng những bữa tiệc hay lời mời bất ngờ. Nên, bạn hãy thoải mái trải nghiệm, đừng vội đóng khung suy nghĩ lên tất cả người Hà Lan bạn gặp nhé!
Thói quen chi tiêu chi li và sòng phẳng
Trong tuần sinh hoạt đầu khoá (orientation week), nhà trường đã giới thiệu ngay đến sinh viên quốc tế về văn hoá “going Dutch” hay “pay Dutch” – sòng phẳng khi trả tiền. Trừ khi họ mở lời mời bạn bữa ăn đó, nếu không, bạn nên tự giác thanh toán phần của mình. Ở Hà Lan có rất nhiều ứng dụng nhập liệu và chia tiền cho một nhóm, phổ biến nhất là app Tikkie. Ngày trước mình ở chung nhà với một nhóm bạn Hà Lan, tụi mình cùng dùng chung app này để chia nhau chi phí ăn uống và sinh hoạt trong nhà. Mỗi lần có ai ra ngoài mua đồ dùng cho cả nhà, thường là trứng, bánh mì sandwich, nước trái cây, giấy vệ sinh, thì sẽ tự động ghi chú tổng số tiền vào app. Nhà có 8 người thì app Tikkie sẽ lập tức chia đều phần một người phải trả. Rất nhanh gọn lẹ, mà rõ ràng.
Bạn chẳng cần cố gắng gây ấn tượng với ai cả
Người Hà Lan có phong cách ăn mặc giản dị, tính cách không thích cạnh tranh hay phô trương. Nếu bạn dự định sẽ sắm sửa thật nhiều đồ đẹp, ăn diện thật lung linh vì sự yêu thích với thời trang thì mình ủng hộ, nhưng nếu dùng vẻ ngoài lộng lẫy để gây ấn tượng với người Hà Lan thì, hừm, mình không chắc nó hiệu quả đâu! Vì kể cả bạn có là người nổi tiếng đi chăng nữa, họ cũng sẽ không có ý định tiếp cận bạn hay xởi lởi với bạn hơn. Người dân Hà Lan rất tôn trọng sự riêng tư, giao tiếp hàng ngày khá kín đáo và tránh đụng chạm. Điều này đặc biệt đúng khi mình đến Amsterdam, mặc dù không khí sôi động nhưng mọi người vẫn có không gian riêng.
Tuy nhiên, thực chất họ là những con người nồng hậu, tốt bụng, khẳng khái, và luôn nhiệt tình giúp đỡ khi bạn cần. Trước khi đi Hà Lan, mình có dịp đi du lịch Hội An chung nhóm với một cặp đôi đến từ The Hague. Tụi mình ngồi cạnh nhau nhưng không ai nói với ai điều gì, đến khi mình thoáng nghe họ trò chuyện bằng tiếng Hà Lan, mình mới mạnh dạn bắt chuyện, và cặp đôi cũng rất cởi mở đáp lời. Hãy là chính mình và tự tin bắt chuyện với mọi người nhé!
Chuẩn bị tâm lý để đón đầu cú sốc văn hoá
Có thể bạn đã nghe qua mô hình sốc văn hóa (culture shock) rồi, hầu như du học sinh nào đi học cũng phải đối diện với cú sốc văn hoá, không sớm thì muộn, không gặp khi ở nước ngoài thì cũng bị sốc văn hoá ngược khi về Việt Nam (reversed culture shock). Nếu bạn đã biết trước sau gì mình cũng cần phải chuẩn bị tâm lý trước khi đi du học Hà Lan, vậy thì bạn cần có giải pháp gì?
Ngoài tìm hiểu về đất nước và con người Hà Lan qua 4 điều kể trên, mình gợi ý bạn 2 cách để ứng phó với tình trạng sốc văn hoá cực kỳ hiệu quả sau:
- Trò chuyện với những anh chị đã và đang ở Hà Lan để hỏi han kinh nghiệm, hoặc xin lời khuyên. Thông thường, mọi người thường hạn chế khuyên bạn phải làm gì cụ thể, vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, hãy lắng nghe lời khuyên và chọn lọc những gì phù hợp với bản thân nhé!
- Biết rõ mình đi học vì lý do gì và viết ra những mục tiêu cụ thể cho chuyến du học hoặc xuất ngoại làm việc này. Cách này rất hữu ích khi bạn cảm thấy nản chí và nghi ngờ bản thân, hãy viết xuống và nhớ về lý do mình bắt đầu.
Chúc bạn có chuyến du học Hà Lan thành công tốt đẹp!